Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

HDR-TG1: Máy quay video độ nét cao nhỏ nhất của Sony


Máy quay phim HDR-TG1 của Sony chỉ nặng 300g, ghi được video số có độ phân giải 1920x1080 vào thẻ nhớ.




Sony đã phát triển chiếc máy máy quay video độ nét cao nhỏ nhất thế giới và dự kiến sẽ bắt đầu bán ra vào cuối tháng 4/2008.

Máy quay Sony HDR-TG1 có kích cỡ 32mm x 119mm x 63mm, trọng lượng 300g. Cao và mảnh, HDR-TG1 được thiết kế theo dạng màn hình gập, tương tự dòng máy quay độ nét cao Xacti của Sanyo nhưng máy quay của Sony chỉ bằng 2/3 kích cỡ của model mới nhất trong họ Xacti.

Bí mật của máy quay nhỏ nhất thế giới này là không có ổ cứng, ổ quang hay ngăn đựng băng DV. Thay vào đó, HDR-TG1 ghi trực tiếp vào thẻ nhớ Memory Stick Pro Duo hoặc Pro-HG Duo. HDR-TG1 sử dụng định dạng video AVCHD với độ phân giải 1.920 x 1.080 (Full HD). AVCHD là định dạng độ nét cao do Sony và Panasonic phát triển, được thiết kế để cung cấp các khả năng tương thích giữa máy quay phim và đầu đĩa hoặc những thiết bị giải trí khác trong phòng khách.

Ở chế độ ghi hình chất lượng cao nhất “FH” (độ phân giải Full HD và tốc độ đạt 16Mbps), thẻ nhớ có dung lượng 4GB sẽ ghi lại được 25 phút. Thời gian tăng lên 55 phút khi quay ở chế độ “HQ” (độ phân giải 1.440 x 1.080 và tốc độ đạt 9Mbps). Ở các chế độ SP và LP, thời gian còn tăng lên nữa nhưng độ phân giải cũng giảm tương ứng. Ngoài ra, HDR-TG1 chụp được ảnh 4 megapixel, có khả năng nhận diện khuôn mặt người và có thể dò đến 8 khuôn mặt người khi chụp.

Ngoài ra máy sử dụng hệ thống ghi âm 5.1 Dolby Digital tương thích với các dàn âm thanh rạp hát gia đình, màn hình cảm ứng 2,7 inch giúp người quay phim dễ dàng bám sát mục tiêu và thẻ nhớ 4GB Pro Duo Mark2.

Những đặc điểm khác của HDR-TG1 là zoom quang học 10X, khe cắm HDMI. Sony dự kiến sẽ chính thức bán máy quay này ra thị trường Nhật từ ngày 20/4/2008 với giá khoảng 1.300USD và đến tháng 5/2008 sẽ bán ra thị trường Mỹ với giá khoảng 900USD.

----------Thành triệu phú nhờ rác------------


Đang là sinh viên đại học, Patrick Fitzgerald nảy ra ý định làm trung gian giữa chính quyền thành phố và các hộ dân để tái sử dụng phế thải nhựa và thủy tinh. Chỉ sau vài năm, công việc làm ăn phát đạt trông thấy, giúp cậu bỏ túi hàng triệu USD.











Patrick Fitzgerald. Ảnh: Forbes

Khi thị trưởng New York Michael Bloomberg quyết định ngừng chương trình gom đồ phế thải cho tái sử dụng của thành phố, Fitzgerald đang là sinh viên ngành luật Đại học Fordham, liền nghĩ, tại sao không kinh doanh mặt hàng này.


Về phương diện tiết kiệm, Bloomberg đã làm đúng vì hằng năm thành phố phải trả một khoản lớn cho các công ty chuyên gom và đưa đi tái chế đồ nhựa và thủy tinh. Thế nhưng, người dân không mấy quan tâm đến việc này và xe gom rác tái chế của các công ty thường chỉ thu được 1/4 lượng đồ có thể tái sử dụng trong thành phố. Người dân đơn giản bỏ đồ tái chế vào thùng rác thông minh và cho rằng, công việc gom rác, phân loại là của chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.


Năm 2003, với sự giúp sức của cậu bạn Ron Gonen và 100.000 USD đi vay, Fitzgerald thành lập RecycleBank. Hoạt động chính của công ty là tăng tỷ lệ tái sử dụng đồ nhựa và thủy tinh và giảm chi phí chôn lấp. RecycleBank nhận từ chính quyền thành phố khoản phí nhỏ hơn khoản trước đây thành phố phải bỏ ra để thu dọn phế thải và đảm bảo các gia đình sẽ tích cực phân loại và đưa đồ phế thải vào tái sử dụng.


Nguyên tắc hoạt động của RecycleBank rất đơn giản: các hộ gia đình gom đồ có thể tái sử dụng để chuyển cho các xe gom rác của RecycleBank, càng gom được nhiều phần thưởng càng lớn. Phần thưởng của các gia đình được quy đổi ra các khoản mua hàng giảm giá tại các cửa hàng tiện ích, nhà hàng, hiệu thuốc, cửa hàng rau quả và cửa hàng ăn nhanh trong khu vực.



----------Bảo dưỡng và kiểm tra ắc-quy----------


Những thiết bị điện tử có thể làm tiêu hao năng lượng điện trong ắc-quy một cách nhanh chóng. Trước khi ra khỏi xe, bạn cần kiểm tra xem các thiết bị như điều hòa, loa, đèn đã tắt hoàn toàn hay chưa. Một chiếc ắc-quy có tuổi thọ 3-5 năm nhưng cũng có thể "chết" sau vài ngày không sử dụng xe.


Tính năng của những chiếc xe mới hiện nay cao hơn rất nhiều so với 20 năm trước đây. Các thiết bị đã được cải tiến và tất cả gần như đều sử dụng điện. Tuy nhiên, có một cản trở mà các hãng xe thường phải vượt qua là hệ thống điện và ắc-quy trên xe hơi ngày càng phình to, gây khó khăn khi lắp ráp và sản xuất xe. Vì vậy, những tình huống trớ trêu cũng vì thế mà xuất hiện như sau vài ngày không đi, đến khi khởi động thì bạn mới nhận ra ắc-quy đã “chết”.











Thử nghiệm xạc ắc quy của Motor Trend. Ảnh: Edgesuite
Thử nghiệm xạc ắc quy của Motor Trend. Ảnh: Edgesuite

Bạn kiểm tra thấy cửa đã đóng, hệ thống âm thanh, đèn cũng đã tắt và không thể tìm nguyên nhân trực tiếp khiến ắc-quy hết điện như vậy. Trong trường hợp này, một bộ pin sạc 12 volt có thể giúp chống lại việc “rỉ” điện, tuy nhiên giải pháp đó chỉ thích hợp với những xe để trong vài tháng mà không đi.


Các thiết bị điện hiện đại có thể làm cho ắc-quy “chết” nhanh hơn so với những chiếc xe đời 1970 hay xa hơn. Mỗi thiết bị sử dụng “một chút” điện ngay cả khi mọi thứ đã tắt. Những chiếc máy tính tích hợp trên xe là bộ phận tiêu hao năng lượng điện nhiều nhất. Các máy tính điều khiển phun nhiên liệu, kiểm soát nhiệt độ vùng, module khởi động, điều khiển đèn pha, dàn radio kỹ thuật số, đồng hồ, ghế nhớ các vị trí đều làm ảnh hưởng tới độ bền của ắc-quy.


Tiên tiến hơn 20 năm trước, công nghệ ngày nay giúp xe hơi gần như rơi vào “giấc ngủ” và luôn trong trạng thái sẵn sàng. Bất cứ khi nào được kích hoạt, chúng sẽ hoạt động. Các bộ phận điều khiển điện tử vẫn hoạt động âm thầm và tiêu thụ một chút năng lượng. Nhưng chỉ cần để qua vài ngày, chúng có thể làm cạn một bình ắc-quy.


Vài thiết bị khác cũng sử dụng điện từ ắc-quy mặc dù ở trạng thái không hoạt động như máy phát điện, bộ điều chỉnh dòng, hệ thống đánh lửa. Bên cạnh đó, những chiếc diode (bộ phận nắn dòng một chiều nằm trong các thiết bị) có thể bị hỏng và dòng điện có cường độ lớn sẽ đi qua. Tuy nhiên, tình huống này hiếm khi xảy ra.


---------Chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh----------



Muốn tồn tại trên thương trường thì phải chiến đấu, đạp lên đối thủ cạnh tranh để phát triển. Trùm bất động sản Mỹ Donald Trump coi đây là một cuộc đấu tranh sinh tồn "mạnh sống - yếu chết" nên mỗi bước đi đều phải lên kế hoạch kỹ càng.


Bạn đã xác định được cơ hội kinh doanh. Bây giờ phải làm gì? Bước tiếp theo bạn phải tìm hiểu mọi thứ về đối thủ cạnh tranh và động lực ngành. Thuật ngữ động lực ngành nói tới sự tương tác thương mại giữa năm tác nhân cạnh tranh trên thị trường là: người mua, nhà cung cấp, mối đe dọa của các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ thay thế, sự gia nhập của các đối thủ cạnh tranh mới, và sự ganh đua lẫn nhau giữa các đối thủ hiện tại. "Đó thực sự là một cuộc đấu tranh sinh tồn", Donald Trump ví von.


Trước khi vào trận chiến đấu, bạn cần chuẩn bị một một số bước cần thiết:


- Ứng dụng năm yếu tố (ngũ lực của Porter) trong ngành của bạn


- Xác định ngành tốt và xấu


-Tìm hiểu thông tin và phân tích các đối thủ của bạn


- Trở thành công ty mạnh nhất trong ngành của bạn


Bạn sẽ phải đối mặt với lực lượng ngành nào khi bạn xây dựng và phát triển doanh nghiệp? Ngay cả khi bạn đã xác định được cơ hội, thì có một số ngành cũng rất khó thâm nhập. Cơ hội của bạn chỉ có ý nghĩa khi bạn chiếm được thị phần và biến công ty của mình thành một Cỗ máy kiếm tiền hoạt động tốt. Theo Michael Porter, có năm tác nhân cạnh tranh ở tất cả các ngành.


Mô hình đơn giản này sẽ giúp bạn hiểu được cán cân về sức mạnh trong ngành mà bạn định thâm nhập. Sức cạnh tranh của bạn chỉ chiếm 1/5 trong tổng các nhân tố. Hãy tự hỏi mình: Nhân tố nào nắm giữ sức mạnh trong thị trường của bạn?


- Những người mua hàng chính là khách hàng tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn


- Những nhà cung cấp nguyên vật liệu thô và những thành phần cần thiết khác cho những người tham gia vào ngành


- Những sản phẩm và dịch vụ thay thế chính là đối thủ cạnh tranh của bạn vì chúng đưa ra những phương án khác để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng


- Những đối thủ cạnh tranh sẽ gia nhập thị trường trong tương lai


- Cuộc chiến đấu giữa các đối thủ hiện tại nhằm tranh giành thị phần


Hãy thử phân tích những sự việc diễn ra trong một cuộc triển lãm thương mại, nơi có thể coi là mô hình thu nhỏ của cả một ngành công nghiệp. Các cuộc triển lãm thương mại về ngành điện tử và kiểm soát tĩnh điện được tổ chức nhiều lần trong năm tại các trung tâm thiết bị hội thảo lớn trên khắp thế giới. Có từ 200 đến 500 nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh tụ họp tại đây để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ tới người xem. Những cuộc triển lãm này giống như những bể cá mập khổng lồ mà trong đó khách hàng, nhà cung cấp, những đối thủ tiềm năng muốn gia nhập thị trường, những đối thủ cạnh tranh, những nhà phân phối, và các đại diện bán hàng bơi cùng nhau.



---------Hàng nhập khẩu giả xuất xứ ASEAN-----------


Một container máy điều hòa nhiệt độ khai có xuất xứ Malaysia khi làm thủ tục nhập khẩu tại Hải Phòng trong tháng 6 vừa qua đã bị cơ quan hải quan phát hiện có nguồn gốc thật sự từ Trung Quốc.


Theo các cán bộ đội kiểm soát hải quan Hải Phòng, hồ sơ nhập khẩu lô hàng này của doanh nghiệp Malaysia có đầy đủ giấy chứng nhận xuất xứ theo đúng qui định của CEPT/AFTA (C/O form D).











Mùa nóng, điều hòa Trung Quốc về nhiều.

Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ về địa điểm đóng hàng vào container, bốc hàng lên tàu để vận chuyển sang VN theo vận đơn gốc của chủ tàu, cơ quan hải quan đã phát hiện thật ra các lô máy điều hòa này đã được bốc xếp từ cảng Chu Hải (Trung Quốc) trước khi được lập vận đơn chính tại Trung Sơn (Quảng Đông).


Theo vận đơn của chủ tàu, hàng được xếp lên từ cảng Chu Hải ngày 30/5, sau đó được chuyển đến cảng tại Hong Kong. “Vận đơn của chủ tàu ghi rõ ngày tàu rời cảng Hong Kong là 3/6 và đến ngày 4/6 cập cảng Chùa Vẽ, như vậy sẽ không có lúc nào để ghé qua Malaysia nhập hàng, tức là C/O form D này là giả” - một cán bộ đội kiểm soát hải quan Hải Phòng khẳng định.


Theo lộ trình cắt giảm thuế theo CEPT/AFTA (Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung cho khu vực thương mại tự do ASEAN) của VN, hiện nay thuế suất đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ áp dụng đối với các nước tham gia AFTA là 20%, trong khi thuế suất ưu đãi thông thường (MFN) đối với mặt hàng này là 40% và thuế suất phổ thông là 60%.


Nhận định của lực lượng hải quan cho rằng những rắc rối từ lô hàng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về một kiểu lừa đảo mới, khi mà các doanh nghiệp nhập khẩu tìm kiếm bạn hàng thông qua các hội chợ mà không có điều kiện tìm hiểu kỹ lưỡng về đối tác cũng như không có điều kiện theo dõi tiến trình bốc xếp, vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất kinh doanh của đối tác của VN. Và trong khi chưa có biện pháp nào giải quyết tốt vướng mắc này, việc duy nhất các doanh nghiệp VN có thể tự làm để tránh rơi vào những vụ việc gây thiệt hại đáng tiếc là soạn thảo hợp đồng với những điều khoản thật chặt chẽ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và xuất xứ.





( Theo www.vatgia.com)

Không có nhận xét nào: